Thiết kế đồ họa (Graphic Design) là một loại hình của nghệ thuật ứng dụng, thuộc một phần của nghệ thuật thị giác. Dân design hầu như ai cũng có tư duy thiết kế, thẩm mỹ và thấu tỏ nghệ thuật thị giác. Nhưng dân content thì chưa chắc.
Đó là lý do mà đằng sau các poster, banner… thường là màn khẩu chiến giữa content writer và designer.
Bên thì nặng tư duy ngôn ngữ, muốn chỗ này bo tròn, chỗ kia chèn text.
Bên thì phản biện dựa trên tư duy thẩm mỹ, cho rằng bo chỗ này xấu bố cục, text chỗ kia dài…
Cuối cùng, content brief một đằng, designer làm một nẻo. Cả 2 không hiểu ý nhau, hoặc đơn giản là content thiếu tư duy thẩm mỹ/nghệ thuật, brief linh tinh khiến thiết kế cảm thấy ‘nực cười’ và không thèm làm.
Để nâng cấp tư duy thẩm mỹ và làm việc tốt hơn với designer, content writer cần research và nghiên cứu thêm các thông tin về:
- Nghệ thuật thị giác
- Tư duy thẩm mỹ/nghệ thuật
- Tư duy thiết kế/hình ảnh…
Dĩ nhiên có nhiều cách để nâng cấp, và đọc sách về nghệ thuật là một trong số đó. Sách nghệ thuật không hiếm, nhưng phần lớn ‘nặng đô’. Để hấp thụ từ từ, có lẽ nên đi từ căn bản, và mình chọn Bộ sách Để Hiểu Về Nghệ Thuật để đặt những bước chân đầu tiên.
Bộ này có 3 cuốn hơi dày. Nhìn có vẻ dày nhưng bên trong chứa nhiều ảnh nghệ thuật nên đọc cũng không ngốn quá nhiều thời gian. Quan trọng là đọc phải nghiền ngẫm mới thẩm được hết cái hay, nên sẽ cần tập trung nhiều năng lượng. Mình thường đọc khoảng 30-40 trang là ngưng và quay lại đọc tiếp sau đó vài tiếng.
Văn phong khá hàn lâm, nhưng cần thiết với các bạn content đang làm trong lĩnh vực: mỹ thuật, nghệ thuật, kiến trúc… Kể cả những bạn đang cần tăng khả năng cảm thụ & tư duy thẩm mỹ để làm việc thuận lợi hơn với designer.
Cá nhân mình, sau khi đọc xong 3 cuốn, nếu liên kết với thiết kế có thể tự vấn một vài điều sau:
1. Khi brief thiết kế, có lẽ cần xác định xem, hình ảnh tạo ra có tác dụng truyền cảm xúc hay tạo ra một phản ứng cảm xúc?
=> Nếu tạo ra cảm xúc, từ khóa cần giải quyết ở đây là: Làm thế nào để tạo ra một cảm xúc dang dở cho người xem thông qua các thông tin thị giác?
2. Đường nét thỏa mãn tâm trí, còn màu sắc thỏa mãn con mắt
=> Hình ảnh thiết kế để educate, hướng đến tệp khách tri thức, logic liệu có nên chú trọng nhiều vào đường nét? Ngược lại, các hình ảnh phối kết màu sắc mãn nhãn, liệu có phù hợp với tệp khách đại chúng, yêu thích sự tự nhiên?
3. Nên học hỏi các tác phẩm, gợi liên tưởng và tạo ra các biểu tượng tinh tế để tránh vi phạm luật nền tảng và tạo độ sâu cho content. Là người viết, chúng ta cần tìm hiểu thêm ý nghĩa các biểu tượng + quy ước tường thuật của mỗi nền văn hóa.
=> Thay vì đề cập thẳng đến cái chết và dùng hình ảnh phản cảm, content có thể brief những hình ảnh biểu trưng thay thế như: ngọn nến cháy gần hết, cây nhang tàn, đóa hoa héo, đồng hồ cát đang chảy đến những hạt cuối cùng…
4. Hình ảnh có thể xóa bỏ các rào cản về ngôn ngữ, thế hệ, vùng miền. Ta có thể kể một câu chuyện bằng lối giao tiếp phi ngôn ngữ.
=> Nên tận dụng thiết kế để tiếp cận các nhóm khách khác nhau, thay vì thuần text hoặc dùng vài ảnh minh họa ‘mì ăn liền’.
5. Gu thẩm mỹ Á – Âu có sự khác biệt về khổ trong chủ đề phong cảnh. Nếu phương Tây chuộng khổ ngang, với tư duy không gian là một cú quét mắt liên tục từ tiền-trung-hậu cảnh thì châu Á lại chuộng khổ dọc để dẫn mắt người xem lên phần trên của tác phẩm.
=> Liệu điều này có thể ứng dụng vào thiết kế kỹ thuật số không?
Thứ tự đọc của mình
1. “Để hiểu nghệ thuật” – Janetta Rebold Benton: Hướng dẫn từng bước tiếp cận và lĩnh hội nghệ thuật. Các yếu tố cấu thành một tác phẩm nghệ thuật: màu, nét, phối cảnh, chất liệu…
2. “Xem tranh” – Susan Woodford: Phân tích cách xem các tác phẩm nghệ thuật dưới nhiều góc độ, từ hình thức, bố cục, không gian, chủ đề, ý nghĩa, tố chất họa sĩ, bối cảnh lịch sử đến đối chiếu các tác phẩm.
3. “Những thời khắc then chốt của nghệ thuật” – Lee Cheshire: Lịch sử giản lược các cột mốc làm thay đổi vận mệnh nghệ thuật Phương Tây, từ thời kỳ Phục Hưng đến nay.
Cách đọc của mình
– Đọc lần 1: Nắm nội dung sách.
– Đọc lần 2: Note ý hay, cách diễn đạt thú vị và các cụm từ chuyên ngành để research.
– Đọc lần 3: Thẩm thấu kiến thức, kết hợp tư duy liên kết để ứng dụng vào công việc, cuộc sống.
— Lem Chấp Bút —